Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, binh được cúng lễ đàng hòang như lính được tướng khao thưởng ngày xưa. Lễ vật cúng binh từ đơn giản là muối gạo, nổ, cháo hoa cho đến long trọng với đủ thịt cá trái cây rau quả...
Bàn thờ âm binh không bao giờ được để trong nhà, các thầy phù thủy thường gọi là "Tĩnh". Trong Tĩnh, ngoài sắc lịnh triệu binh, có khi các thầy còn thờ cả tướng trời như: Triệu Công Minh, Tề Thiên Đại Thánh, Na Tra... (chỉ có ở các thầy pháp). Có lẽ các thầy muốn dựa vào oai các vị này mà khiển binh cho dễ.
Binh gia có rất nhiều loại. Tùy theo khả năng tu luyện và phương tiện sử dụng mà thầy chiêu mộ loại âm binh nào. Phổ biến nhất vẫn là binh Đại càn, binh chiến sĩ, binh ngũ hổ ... ghê gớm hơn thì có binh rừng, binh tà A-rặc... Mỗi loại binh có câu chú luyện riêng. Trước khi thỉnh âm binh, bàn thờ phải có đủ nhang đèn, trầu, rượu, nước, thuốc lá...
Muốn luyện âm binh phải đi tìm những nơi nghĩa địa, chiến trường xưa, vùng đất từng bị ôn dịch chết nhiều... nơi đó mới có nhiều vong lang thang, dễ cho thầy chiêu mộ.
Đây là một trong các bài chú gọi binh đơn giản dành cho việc cúng binh Đại Càn: "Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát (3l) - Vái ông Chánh Soái Đại Càn Phó Soái Đại Càn, Quốc gia Nam Hải - Chư vị âm binh- Binh thiên binh địa binh tổ binh thầy binh mấy anh chiến sĩ, đạo lộ đường xá, anh chị phụ nữ, kẻ xiêu mồ người lạc mã về đây cảm ứng chứng minh theo thầy ..... (làm công việc gì đó) ... - Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát (3l) "
Đối với thầy pháp, việc chiêu mộ âm binh phức tạp hơn nhiều, trong tiếng trống chiêng, tiu khánh, các thầy đọc bài văn chiêu dụ:
Hồn hỡi hồnCó những bài văn thầy đọc hàng giờ mới hết. Chủ yếu là kêu gọi, kể hòan cảnh đáng thương của hồn rồi chiêu dụ. Khi vong chịu theo tự nguyện, bao giờ thầy khiển binh cũng dễ dàng hơn là dùng lịnh trục về. Y như cõi dương vậy thôi, đắc nhơn tâm là chính.
Cô đơn cõi chết
Không người thân thích
Không có cơm ăn
Đêm tối lang thang
Bụng thèm miệng khát
Áo cơ quần rách
Vất vưởng về đâu?
Hồn hãy mau mau
Theo thầy chịu lệnh
Không còn nhang lạnh
Thầy cúng áo quần
thầy cúng cơm canh
thầy cho vàng bạc....
Hồn hỡi hồn!
Về nơi thầy không còn vất vưởng
Về với thầy có bạn âm binh!
Các thầy dùng âm binh vào rất nhiều việc khác nhau.
Trong chữa trị bệnh tà ma, âm binh giúp thầy bắt tà, khảo tà, có khi thầy trục âm binh vào xác bệnh nhân để đánh nhau với con tà bên trong xác, vậy là thể xác thành chiến trường, người bệnh gào thét không dứt...
Nhà cửa bất ổn, buôn bán ế ẩm, thầy cho âm binh đến giữ nhà, kêu gọi khách giúp chủ nhà buôn may bán đắt.
Ngày xưa, âm binh được thầy luyện tài đến mức có thể dời nhà cửa, tát ruộng, phơi lúa... làm nhiêu việc như người sống. Dĩ nhiên là làm ban đêm rồi. Thầy Thím ở Bình Thuận - Hàm Tân thuở xưa dời đình làng trong đêm cũng bằng binh gia chứ làm sao mà sức người làm nổi trong một đêm.
Khi có đụng chạm, âm binh được trục liên tục để bảo vệ thầy, đánh kẻ khắc đạo, làm thám thính. Có những trận trời long đất lở, âm binh hai thầy đánh nhau trong đêm, người trong vùng nghe như bão tố mưa dông, tiếng la hét, gươm giáo khua loảng xoảng, thoảng trong gió có cả mùi tanh hôi. Đó là chuyện xưa, còn bây giờ các thầy lo cơm áo gạo tiền, sức tu luyện và đạo pháp cũng không bằng tiền bối, đôi khi luyện âm binh cũng chỉ nhằm phục vụ cho nồi cơm của thầy (xin lỗi các vị thầy giữ đạo hạnh).
Một thời gian dài không có khách khứa, nhiều thầy cà chớn còn cho âm binh đi phá làng phá xóm để có người bệnh đến tìm. Nhưng thường là phá phách làng khác, phá trong làng mình ở thì có nước bỏ xứ mà đi.
Có nhiều chuyện truyền miệng về việc thầy dùng âm binh trêu ghẹo thiên hạ. Một bà đi chợ mua chiếc đầu heo về, dọc đường gặp thầy, thầy chỉ vào đầu heo tỏ vẻ sợ hãi. Bà ta nhìn lại tay mình thì trời đất ơi, một chiếc đầu người trọc lóc nằm gọn trong giỏ, bà ta sợ quá quăng cả giỏ mà chạy... thầy ung dung lấy cả giỏ đồ ăn đem về. Ở Bình Chánh - Sài Gòn trước đây có thầy Ba chuyên chữa bệnh và nuôi con nít. Mỗi ngày đi chợ thầy xài đúng một quan tiền. Sáng hôm sau, mở ngăn kéo, quan tiền đã nằm trong ngăn từ đời nào, tất cả đều nhờ mấy vị binh gia làm hộ đó.
Tuy nhiên, tu luyện binh gia là đang sử dụng con dao hai lưỡi không biết lúc nào bị đứt tay. Thông thường, sau khi sử dụng một thời gian (chủ yếu là làm công đức), các thầy làm phép cầu siêu cho chư vị để họ đi đầu thai hoặc về cõi khác tốt hơn. Các thầy lạm dụng âm binh nhiều, đến một ngày nào đó không còn đủ sức khiển hoặc đã hết thời, âm binh quay lại vật chết hoặc hành xác điên khùng, muốn sống chẳng được, muốn chết không xong.
Thầy Tư Bổn nổi tiếng bắt tà ở Cai Lậy - Tiền Giang, đến khi về già, đang nằm ngủ trên võng, âm binh áp vào vật ông xuống mà đánh. Sau khi vùng dậy được, ông chụp roi ấn trên bàn thờ đánh gió túi bụi cả buổi mới thắng. Xong rồi ông cũng muốn đứt hơi luôn. Kiểu này, sau khi ông chết đi, ắt là trong nhà có loạn. Sư Ông chùa Linh Hiển - Thủ Đức, tài phép thần thông dời đá phá mây, đến ngày sắp tịch, đệ tử quây quần tụng kinh ba ngày liên tục mà ông cứ lấy hơi lên, không chết. Thanh cùng người bạn đến thăm, thấy ông bị binh gia vây kín, mủi lòng bước đến chắp tay chú nguyện cho mấy vị giãn ra, chưa kịp nói gì thì các thầy là đệ tử của sư ông nóng mặt sợ mình giành mất công siêu độ nên đuổi về. Vậy là Sư ông đành nằm lấy hơi lên thêm một ngày rưỡi nữa... các bạn có tin không? Nhưng dù tin hay không, bạn cũng đừng luyện thử nhé! Chẳng có ai chịu trách nhiệm đâu. Vài hàng kể cho chư huynh đệ đọc chơi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét